VÀ  

                                                            Lê Văn  Ẩn 

G. CHỨNG MINH BẰNG KHẢO CỔ

Khi một nhà khảo cổ đào tìm được một đồ vật , họ phải xác định cái đồ vật đó tìm được ở đâu, vào thời gian nào, địa điểm chổ nào, vùng nào và cái đồ vật đó hình thức ra làm sao, có sự liên quan gì đến các đồ vật mà ông tìm thấy được ở nơi khác không v.v...Vậy muốn nói cái qua là của Việt thì việc trước tiên là xác định vùng đất nào là của tổ tiên người Việt . Để làm việc này , bạn và tôi phải trở lại xem truyền thuyết họ Hồng Bàng .


Trong Việt Nam Sử Lược quyển một , cụ Trần Trọng Kim có viết lại như sau:
Họ Hồng Bàng . Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh cháu ba đời vua Thần nông , đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh gặp một nàng tiên , lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-Dương vương, Quốc hiệu là Xích Quỷ.


Bờ cỏi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình hồ, phía Nam giáp nước Hồ Tôn ( Chiêm Thành ), phía tây giáp Ba-Thục ( Tứ-xuyên ), phía đông giáp bể Nam-hải .


Kinh-Dương vương làm vua nước Xích Quỷ và lấy con gái Động-đình quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu -cơ là con gái của Đế Lai, sanh được một trăm người con trai .
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên do Nhượng Tống dịch, ông Ngô Sĩ Liên gọi trăm người con trai đó là tổ của Bách Việt tức là trăm giống Việt .

Bây giờ bạn và tôi hãy xem lại Kinh Điển , coi lạiø Kinh Thư , xem phần Hạ Thư chương Vũ Cống , phần thượng , có để cập đến việc vua Vũ dựng ra 9 châu gồm có :


1. Kí châu ,
2. Ung Châu,
3. Duyện Châu,
4. Thanh Châu,
5. Từ châu,
6. Dự châu,
7. Lương châu ,
8. Kinh châu ,
9. Dương châu .

Trong truyền thuyết, khi Lộc Tục làm vua thì xưng là Kinh-Dương Vương tức là ông làm vua cai trị hai châu : châu Kinh và châu Dương. Châu Kinh và châu Dương được xem là miền Nam của Trung Hoa ngày nay, bao gồm Hồ Bắc, Hồ Nam dọc theo sông Dương Tử , ra tới biển Đông và kéo xuống phía Nam . Nước của ông bao gồm từ Hồ Bắc , Hồ nam cho tới nước Chiêm Thành. Con ông là Lạc Long Quân xuất thân từ Hồ Động Đình vì Lộc Tục lấy Long Nữ , người gốc gác ở Hồ Động Đình . Hồ Động Đình bao gồm Hồ Bắc ( tức là phía Bắc của Hồ Động Đình ) và Hồ Nam ( tức là phía Nam của Hồ Động Đình ).

Các nhà khảo cổ đã tìm được trong các mộ đào được ở Trường Sa ( thuộc Hồ Nam ) một số những cái qua , xin coi hình phía dưới (hình 1 ).
 

   


                 Hình 1               Hình 2

Riêng vào tháng hai năm 1971, các nhà khảo cổ có tìm được tại phía đông của Trường Sa thuộc vùng Hồ Nam , địa điểm tên là Liu-ch'êng-ch'iao một cái qua còn nguyên vẹn ( hình 2 ). Điểm đặc biệt hơn nữa là trong quyển "Cultural Frontiers in Ancient East Asia" của William Watson có viết về những đồ vật đào lên tại tỉnh Hồ Nam rằng các nhà khảo cổ có tìm được cũng tại Hồ Nam một cái qua có khắc tên một vị vua tên là Nhược Ngao . Sao khi tra cứu trong Sử Ký Tư Mã Thiên và Xuân Thu Tả Truyện thì vị vua có hiệu là Nhược Ngao là vị vua Hùng thứ 14 tên thật là Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao cai trị vào năm 789 trước Tây Lịch . Đây là vị vua Hùng thú 14 trong 18 vị Hùng vương, mà chúng ta thường gọi là 18 đời Hùng vương. Những chi tiết về cái qua nầy tôi có viết trong bài "Chứng tích Hùng Vương" lấy bút hiệu là An sơn , đăng trong tờ Hoài Bão.
 

Xuân Thu và Tả Truyện

Sử ký Tư Mã Thiên

Tên vua và hiệu

Số thứ tự

Năm cai trị

Nghi viết Nhược Ngao

Hùng Nghi dã hiệu Nhược Ngao

Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao

14

789 tr. TL

Vậy vùng Kinh-Dương bao gồm Hồ Nam , Hồ Bắc và cả phía Nam từ vùng sông Dương Tử trở xuống , các nhà khảo cổ đã tìm được những cái qua và đặt biệt là có một cái qua có khắc tên vị vua Hùng thứ 14 là một trong 18 đời Hùng Vương của dân Việt . Như vậy cái qua là của tổ tiên người Việt .
Nhưng mà bạn và tôi vẫn còn thắc mắc là tại sao và vì lý do gì mà chế ra cái qua ? Có bao nhiêu loại binh khí khác , thế sao lại chọn cái qua trong chữ "Việt". Cái qua có tác dụng gì ?

H. TÁC DỤNG CỦA CÁI QUA

Trước khi nói về tác dụng của cái qua , tôi xin nói qua một chút về Hồ Động Đình . Ngày xưa cả vùng sông Dương Tử bao gồm Hồ Bắc, Hồ Nam, An-Huy... có một cái hồ rất lớn , đó là hồ Vân Mộng. Hồ Động Đình là một phần còn lại của hồ Vân Mộng . Sau khi hồ Vân Mộng khô mất đi thì còn lại Hồ Động Đình và một số những hồ nhỏ khác. Tuy nhiên điểm đặc biệt là cái vùng của hồ Vân Mộng ngày xưa, thì trở nên những vùng đầm lầy, và có những bụi cây cỏ mọc rất cao ( có thể lên tới bốn năm thước ), làm lấp cả lối đi ; những bụi cây nầy mang tên là cây kinh , từ đó người ta mới gọi vùng đó là vùng Kinh tức là vùng có cây kinh mọc. Vậy Châu Kinh có nghĩa từ vùng Kinh đó mà ra. Vùng phía Nam bao gồm Hồ Nam, Hồ Bắc và dọc theo vùng sông Dương Tử là vùng đầm lầy . Quân vùng phía Bắc, phần lớn là giống dân du mục nên chuyên môn dùng ngựa . Khi họ đưa quân xuống tấn công phía Nam thì gặp phải vùng đầm lầy. Vậy cái qua có tác dụng gì ? Hãy nhìn hình cái qua ở dưới :


Cái qua , tác dụng của nó là phía trước dùng để đâm tới, chém ngang; phía sau là để móc lại. Khi ngựa của quân Bắc xuống bị mắc lầy , thì cái qua móc chân ngựa quỵ xuống và đâm tới người lính trên ngựa; cái qua có hai điểm lợi là vừa móc vừa đâm. Cái qua có lợi điểm là tấn công từ xa , có cây qua dài trên một thước , nhưng cũng có cây dài khoảng ba thước. Cây kiếm là dùng cận chiến , còn cây qua là để tấn công từ phía xa, tấn công cả người lẫn ngựa . Chính cái qua nầy đã chận đứng được quân xâm lược nhờ vào tài biết lợi dụng địa thế thiên nhiên của tiền nhân chúng ta. Vì đó trong các loại vũ khí, tiền nhân của chúng ta không chọn vũ khí nào khác, mà lấy cái qua đặt trong tên chữ Việt .


Bây giờ bạn và tôi mới thấy rằng tiền nhân của chúng ta có suy nghĩ vững chắc khi đặt cái tên Việt , chớ không phải là không có suy tính .

Bạn sẽ nói rằng , tôi biết tin ai bây giờ ! Anh nói là cái tên Việt do tiền nhân của chúng ta đặt ra, nhưng các học giả ở trên viết đăng trong các tờ báo , cho rằng tên Việt là do nhà Chu và nhà Hán đặt ra, vậy thì làm sao xác định được ? Một lần nữa bạn và tôi thử tìm hiểu coi ai đặt cái tên Việt nầy ra .

I. TÊN VIỆT CÓ PHẢI DO NHÀ CHU HAY NHÀ HÁN ĐẶT RA KHÔNG ?

Vì nhà Chu và nhàHán nằm trong phần lịch sử nên muốn chứng minh điều nầy thì dù muốn dù không chúng ta phải tra cứu cổ thư.


Khi nhắc đến chuyện xa xưa của sử Trung Hoa, người ta nhắc đến thời ông Bàn Cổ, sau đó là Tam Hoàng có Thiên Hoàng , Nhân Hoàng, Địa Hoàng ; kế tiếp đến Ngũ Long, Hữu Sào , Toại Nhân ; rồi đến Thần Nông , Phục Hi, Nữ Oa ; sau đó là Hoàng Đế , xong đến Nghiêu, Thuấn và Vũ. Người Việt chúng ta dựa theo truyền thuyết Họ Hồng Bàng , cho chúng ta thuộc dòng dõi Thần Nông. Người Tàu thì nhận họ là con cháu của Hoàng Đế.


Từ Bàn Cổ cho tới thời Nghiêu, Thuấn các sử gia Trung Hoa rất ít chú ý đến, họ chỉ chú ý từ đời nhà Hạ do vua Vũ lập ra, qua đời Thương , đời Chu rồi Tần và Hán kể về sau , vì những triều đại nầy có thể chứng minh qua khảo cổ , và tài liệu cổ thư cũng đã dồi dào.

Thông thường khi bạn coi một cuốn sử Trung Hoa, bạn sẽ thấy họ đưa ra một niên biểu như sau ( trích từ The Chinese exhibition do The People's Republic of China xuất bản 1977 ):


Niên biểu các triều đại của Trung Hoa


Nhà Hạ               2100 - 1600 tr. TL ( trước Tây Lịch )
Nhà Thương        1600 - 1100 tr. TL
Tây Chu               1100 - 771 tr. TL ( đến 771 tr. TL thì nhà Chu dời đô về
                             Lạc-Dương , và đây là thời Đông Chu ) .
Thời Xuân Thu      770 - 476 tr.TL
Thời Chiến Quốc   475 - 221 tr. TL
Tần                       221 - 207 tr. TL
Tây Hán                206 tr. TL - 24 sau TL
Đông Hán             25 sau TL - 220 sau TL

Ở đây tôi chú ý đến đời nhà Thương và nhà Chu với hai lý do : thứ nhất là họ có những bằng chứng xác định qua cổ thư và khảo cổ , thứ hai là họ có trước đời nhà Hán rất xa .

J . CHỨNG MINH QUA CỔ THƯ

a- NHÀ THƯƠNG

Tài liệu về nhà Thương thì rất nhiều. Kinh Thư , Sử Ký Tư Mã Thiên và bộ Trúc Thư Kỉ Niên đều có viết về nhà Thương . Theo bộ Trúc Thư Kỉ Niên thì Thành Thang lập ra nhà Thương , đầu tiên đóng ở đất Bạc. Đến thời Bàn Canh là vị vua thứ 19 thì dời qua Ân và có lẽ từ đó đổi tên nhàThương thành nhà Ân. Đến thời Vũ Đinh là vị vua thứ 22 , lấy hiệu là Cao Tôn, thì một biến cố quan trọng xẩy ra ; bộ Trúc Thư ghi như sau :


Tam thập nhị niên , phạt Quỷ Phương, thứ vu Kinh
Năm thứ 32 , đem quân đánh Quỷ Phương và đóng quân tại Kinh

Trong truyền thuyết của chúng ta có nói Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-Dương vương, Quốc hiệu là Xích Quỷ. Chữ Xích có nghĩa là chỉ đường Xích đạo, Quỷ ở đây là Sao Quỷ tượng trưng cho phương Nam. Khi vua Vũ Đinh nhà Ân đóng quân tại Kinh , tức là vùng Kinh thuộc châu Kinh. Thời điểm đó thì Sao Quỷ nằm tại vùng châu Kinh , cho nên Quỷ Phương tượng trưng cho dân của vùng châu Kinh , mà châu Kinh là của Việt nên người Việt chúng ta mới có truyền thuyết PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG chống giặc Ân . Chống giặc Ân tức là chống quân của Ân Cao Tôn từ phía Bắc kéo xuống .


Ngoài tài liệu cổ thư, nhà Thương còn để lại một tài liệu rất là quý giá. Đó là những chữ khắc trên xương và yếm rùa còn được gọi là "Sấm Ngữ" ( Oracle bones ), mà các nhà khảo cổ đã đào được rất nhiều tại An-Dương. Các Sấm Ngữ còn cho chúng ta biết rằng có sự liên lạc giữa nhà Thương và dân ở miền Nam Trung Hoa và đặc biệt là dân ở vùng sông Dương Tử tức là vùng của người Việt ngày xưa . Ông Tsuen-Hsuin Tsien , tác giả quyển "Written on Bamboo and Silk" ( Viết trên tre và Lụa ) do The University of Chicago Press xuất bản 1962 ,có viết như sau : "The oracle inscriptions also contain such divinations as "there will be tortoises presented from the south" or no tortoises will be presented from the south" , có nghĩa là các lời khắc của sấm ngữ còn chứa đựng những câu chiêm đoán như "sẽ có rùa mang đến từ miền Nam" hay "không có rùa được mang tới từ miền Nam" . Ông cho biết các câu như thế được lập đi lập lại khoảng 500 lần trên sấm ngữ . Ông còn cho biết là theo cổ thư thì rùa được mang tới từ vùng sông Dương Tử. Như thế ngày xưa đã có sự hiểu biết nhau và trao đổi giao dịch giữa nhà Thương và dân Việt.


Ngoài ra ông William Meacham , một nhà khảo cổ học , có viết một bài với tựa đề "Defining the Hundred Yue" ( Định nghĩa Bách Việt ) đăng trong tờ Hongkong Archaeological Society . Ông viết như sau : "The term Yue occurs fairly frequently in the oracle bone writings of the late Shang dynasty, ca 1200 BC" có nghĩa là danh từ "Việt" thường hay xuất hiện trên sấm ngữ vào cuối đời nhà Thương khoảng 1200 trước Tây Lịch . Ông William Meacham có liên lạc với ông Lefeuvre, cũng là một đồng nghiệp với ông, khi viết bài nầy, thì ông Lefeuvre có xác định với ông William là có một câu của sấm ngữ nhắc đến "vùng đất của Việt" , đây là lời ông William Meacham viết : "Lefeuvre notes one inscription mentioning" the land of Yue" .


Vậy cái tên Việt đã xuất hiện trên sấm ngữ vào thời nhà Thương . Nhà Thương
xuất hiện trước thời nhà Chu , và tên "Việt" có khắc rõ ràng trên "sấm ngữ" (trên xương và yếm rùa) ; vậy thì làm sao có thể nói là nhà Chu đặt tên Việt cho người Việt được ?


Nhà Thương xuất hiện vào 1600 tr. TL , có nơi cho là khoảng 1500 tr.TL và nhà Hán xuất hiện vào khoảng 206 tr. TL, như thế tên "Việt" xuất hiện vào khoảng trên 1000 năm trước nhà Hán , thế thì làm sao có thể nói rằng nhà Hán đặt tên Việt cho người Việt được, lấy kẻ sanh sau mà bảo đặt tên cho người sanh trước thì nghe làm sao thông được !

b. NHÀ CHU HAY CÒN GỌI LÀ NHÀ CHÂU

Khi đến phần nhà Chu thì Bộ Trúc Thư Kĩ Niên có viết như sau :
 



Trước khi dịch hai câu trên thì tôi xin có một đôi lời giải thích :

đại vương đây có nghĩa là ông nội của Xương.

Xương là tên khi còn nhỏ chưa làm vua, khi làm vua rồi thì xưng hiệu là Vũ Vương . Khi xưng là Vũ Vương thì mới thành lập ra nhà Chu.

Quý Lịch là cha của Xương, tức là cha của Vũ Vương.

Thái Bá là anh lớn của Quý Lịch tức là bác của Xương.


Đại vương viết ngô thế đương hữu hưng dã kỳ tại Xương hồ .
Đại vương nói thế hệ của ta mà hưng là nhờ ở tại Xương ( có nghĩa là ông nội nói rằng gia đình của ông mà lên là nhờ ở Xương là đứa cháu của ông )


Quý Lịch chi huynh viết Thái Bá tri thiên mệnh tại Xương thích Việt .


Theo lời nói anh của Quý Lịch là Thái Bá, đoán biết mệnh trời nằm ở tại Xương nên bỏ đi qua Việt .

Câu này có nghĩa là khi Xương mới sanh, còn nhỏ, chưa làm vua , chưa thành lập nhà Chu ; nhà Chu chỉ được thành lập khi Xương lên ngôi lấy hiệu là Vũ Vương, còn trước đó chỉ là một bộ lạc thông thường , trú đóng tại miền Tây Bắc của Trung Hoa mà thôi. Vậy mà bác của Xương là Thái Bá đã biết nước Việt , khi Xương còn nhỏ, có nghĩa là nước Việt, hay nói đúng hơn là tên "Việt" đã được biết đến trước khi có nhà Chu.


Vậy mà một học giả ở trên viết rằng người nhà Chu dùng từ Việt, có nghĩa là Vượt để gọi những dân tộc người ở vùng Nam man có lối sống hỗn độn mà họ cho "có lối sống Vượt ra ngoài vòng lễ giáo của nhà Chu" .


Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao bao nhiêu bộ lạc khác lại không đi qua , mà lại đi qua Việt ? Ông Thái Bá có thể sai, nhưng cha của ông là người biết rộng , làm sao có thể để con đi vào chổ chết vì theo học giả ở trên nói là dân vùng Nam man ( tức là dân Việt ) sống ngoài vùng lễ giáo và có lối sống hổn độn ! Họ có thể giết con ông bất cứ lúc nào ! Vậy việc ông Thái Bá đi qua Việt, có phải là lúc đó tên Việt đã có một ảnh hưởng quá lớn không , hay là vì tiếng vang của cái tên Việt nên ai cũng tìm tới. Thời đời nhà Thương, nhà Chu là thời nhiểu nhương , loạn lạc, người ta muốn tìm một nơi tá túc thì phải coi nước mà mình tìm đến đó như thế nào, có đủ khả năng để bảo vệ mình không?

 
Vậy tên "Việt" đã xuất hiện trước thời nhà Chu và đồng thời cũng có trước nhà Hán rất lâu , vậy thì làm sao quả quyết là nhà Chu hay nhà Hán đặt tên Việt cho người Việt được?


Sử Trung Hoa còn rất nhiều nghi vấn cần phải đặt lại sau nầy.Bạn muốn tìm nguồn gốc của dân Việt ư ? Bạn phải tìm tài liệu viết trước đời Tần và Hán , vì hai triều đại nầy đã sửa đổi tất cả sử liệu viết trên đất Trung Hoa theo ý họ rồi!

k. PHẢI HẢNH DIỆN XƯNG MÌNH LÀ VIỆT

Trong số năm học giả ở trên thì có hai học giả cảm thấy xẩu hổ khi xưng mình là Việt , và đề nghị xưng mình là người Nam!


Sau khi tìm hiểu nguồn gốc chữ "Việt" tôi không thấy có gì là xấu hổ cả ! Tổ tiên của chúng ta đã có suy nghĩ rất kỹ khi đặt tên "Việt" cho dân tộc mình. Tên "Việt" đã được ghi rõ ràng qua kinh điển và qua bằng chứng của khảo cổ trên những chữ khắc trên xương và yếm rùa mà chúng ta gọi là sấm ngữ .


Khi nghiên cứu lại tiền sử của dân Việt, chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, vì người ta viết không trúng về người Việt rất nhiều. Trong mỗi chặn sử của Trung Hoa , đều có sự hiện diện của tiền nhân người Việt . Những di tích của người Việt còn để lại trên đất Trung Hoa, những ảnh hưởng của người Việt còn tìm thấy qua khảo cổ, nhân chủng học, ngôn ngữ học vv... ở trên đất Trung Hoa. Các học giả Trung Hoa đã đề xướng "Chủ Thuyết Trung Nguyên" để tìm cách loại cái ảnh hưởng của tiền nhân người Việt ra khỏi sử Trung Hoa, nhưng họ đã không làm được chuyện đó, vì lý do đơn giản là họ không thể gạt bỏ Kinh Điển và những cổ thư mà khảo cổ đào được.


Đừng bao giờ nói như một học giả ở trên viết : ... "Từ thời thượng cổ cho đến cận đại, dân tộc mà ngày nay bị gọi là Việt Nam này không bao giờ chịu nhận mình là người Việt" . Cái lỗi ở đây là tại chúng ta không tìm hiểu cho cận kẽ, rõ ràng rồi tuyên bố không muốn xưng mình là Việt, chứ tiền nhân của chúng ta vẫn gọi họ là người Việt . Cổ thư , kinh điển đều ghi là Việt, là người Việt , bạn và tôi đâu có bịa những chuyện đó ra đâu.

Trước khi kết thúc tôi xin tóm tắt lại như sau :


1. Nói chữ Việt  gồm bộ Tẩu với chữ Tuất là sai . Chữ Việt đúng là gồm bộ Tẩu và chữ Việt. Có hai cái sai : thứ nhất là sai chữ. Các học giả trên đọc lộn chữ Việt ra chữ Tuất . Cái sai thứ hai là các học giả trên không kiểm soát lại cái âm khi đọc để biết mình nói có đúng hay không.


2. Không có ai, kể cả nhà Thương hay nhà Chu hoặc nhà Hán, đặt tên Việt cho người Việt. Tên Việt là do chính tổ tiên của người Việt đặt cho dân Việtï, bằng chứng từ kinh điển và khảo cổ có cho biết là tên Việt đã có từ lâu đời.


3. Chữ Việt có hai nghĩa. Chữ Việt bộ Mễ là để nói, thời bình người Việt làm nghề nông sanh sống , lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu là để nói, thời chiến người Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nước.

Chữ Việt mà người ta lầm tưởng là chó chạy, đã giải thích trật từ lâu lắm rồi, không phải đợi tới các học giả trên viết ra mới biết là sai . Các học giả trên viết bài với tấm lòng yêu nước, nhưng chỉ lập lại cái trật của những người đi trước mà thôi .Thật ra, tôi lấy năm tài liệu nầy để làm cái cớ mà đính chính và giải thích chữ "Việt" , chứ không có ý chỉ trích ai . Tôi xin cám ơn năm học giả trên đã cho tôi cơ hội , giải thích lại phần nào nguồn gốc của người Việt. Nếu trong sự giải thích nầy có đều gì xúc phạm đến năm học giả trên , xin miển thứ.

 
Trước khi kết thúc tôi xin lập lại câu nói của cụ Trần Trọng Kim ghi trong Việt Nam Sử Lược : "Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước , yêu nhà, mới biết cố gắng học hành , hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã-hội của tiên-tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình" . Tôi hy vọng bài viết nầy gíúp cho bạn và tôi biết được một đôi chút sự-tích nước mình để cho khỏi tủi quốc hồn, tôi chỉ có ước mơ đơn giản vậy thôi .

LÊ VĂN ẨN

(Trở về trang chính)