THẤP MỘT NÉN NHANG CHO

FM ĐẦU BẠC

HAY TRUNG TÁ BẠCH VĂN HIỀN

 

Dupont

 

Hiền có biệt danh là FM Đầu Bạc. 

Hiền và tôi là hai người rứt bỏ Liên Phi Đòan Vận Tải để đi học Weapons Controller tại Mỹ.  Tôi đi trước Hiền một khóa. 

30 tháng 4-75, Hiền và tôi đếu kẹt lại Việt Nam và bị đi ở tù.  Nhưng không phải chỉ có hai chúng tôi thuộc cái Liên Đòan Kiểm Báo bị VC bỏ tù đâu,hầu như 95% sĩ quan của đơn vị đã rơi vào hòan cảnh này.  Từ Xếp lớn Thân, ông Phó Denis, tôi, Hiền, Thiệt, Mỹ,Cầm và gần như tòan bộ các anh em cấp úy.  Trong số này đã có những người bạn kém may mắn đã nằm xuống nơi rừng thiêng nước độc ở thượng du Bắc Việt:Trung Tá Bạch Văn Hiền, Trung Tá Phạm Văn Thiệt, Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp (Tiếp, một thời đã phục vụ Liên Đòan Kiểm Báo trước khi ra ứng cử là Dân Biểu Đệ Nhị Cộng Hòa).  Anh Tiếp đã bị Việt Cộng đánh chết dã man khi anh vượt ngục không thóat.  Riêng hai anh Hiền và Thiệt là hai người thuộc lọai hiền nhất Không Quân. 

Hiền là điều hành viên (navigateur), cũng là “dân bay” nhưng không thuốc lá, rượu chè, không nhảy nhót, không “văn nghệ”, “văn gừng”.  Còn Thiệt là sĩ quan kỹ thuật lại còn “trong sạch” hơn.  Vậy mà Thiệt đã nằm xuống sau khi năn nỉ bạn tù cho hút một điếu thuốc lào, Thiệt ho rũ rượi và nằm xuống trút hơi thở cuối cùng.  Cái chết của Thiệt được các bạn cùng phòng giam cho tôi biết về sau này:anh đã kiệt sức, bị sưng phổi, lại phải hút thuốc liên tục để chống với cái lạnh và đói nên bệnh càng trầm trọng hơn và đã ra đi... 

Đôi với Hiền, tôi biết rõ hơn về trường hợp của anh.  Có cái tên đúng với tính tình, Hiền ít nói, trầm tĩnh và cẩn trọng trong công việc, nhất là lúc nào cũng nghĩ tới trách nhiệm.  Có lẽ cũng vì thế mà anh đã bị kẹt lại và bị đi tù.  Cuối 74 cho tới 30 tháng 4-75, tôi không gặp Hiền cho mãi tới một hôm vào đầu tháng 2 năm 1978, tại trại tù số 1 Sơn La, tôi vừa quăng bó giang nặng từ trên vai xuống bờ rào trạm xá để nghỉ, tôi nghe một giọng nói thều thào “Dupont...Dupont...!” (biệt danh của tôi, chỉ có đám Navigateur biết mà thôi).  Tôi ngước mắt nhìn lên thì đó là một ông già cao lêu nghêu, lưng khòm, mặt hóc hác, râu ria lởm chởm, đầu đội nón bông chụp hai tai, tay chống gậy.  Hiền biết là tôi không nhận ra người vừa gọi nên nói tiếp:”Hiền đây...!”  Tôi vội vàng chạy lên gặp Hiền, nhưng mắt trước mắt sau phải dè chừng vì chúng (bọn cán bộ VC) cấm, giữa chúng tôi, không được liên hệ với nhau.  Hiền nhờ tôi “cải thiện” cho một chút gì vì đói và mệt lắm.  Lúc đó, chúng tôi tất cả đều đói như nhau.  Khẩu phần cũng như nhau:sắn mốc đen vừa nấu cho heo vừa nấu cho tù ăn.  Trong rừng tre, rừng nứa,  rừng giang và mây thì chỉ có vắt và măng non.  Măng non ăn sống, hai tiếng sau là cơn sốt rét sẽ kéo tới ngay, đố ai giám cải thiện bằng lọai này.  Rất may, tôi đã “liên hệ” được một tán đường đen.  Tán đường đã bị biến dạng thành hình thoi vì chủ nhân của nó đã không giám ăn mà chỉ giám mút và liếm cho đỡ cơn thèm.  Tán đường đã được chủ nhân hy sinh nhường cho Hiền mặc dù anh không quen biết Hiền.(tôi quên tên người bạn tốt này, nếu bạn đọc được những dòng chữ này, hãy viết cho tôi và tôi sẽ xin hòan lại anh bằng một tấn đường Mỹ trắng tinh).  Sau đó bệnh của Hiền bớt, không biết có phải là do tán đường hay do sức mạnh của tình thương yêu nhau trong lao tù.  Lần đó Hiền bị bệnh là do vừa đói vừa rét nên đã cùng ba người bạn vào rừng hái trái nhãn rừng ăn và bị ngã bệnh, sốt và có hiện trạng chất độc đã làm hệ thống thần kinh bị tổn thương nên la hét và hõang lọan như một người điên. 

Hai tháng sau, trong khi chúng tôi đang được Ban kịch tỉnh về “ủng hộ” Khung(Khung là tiếng VC dùng để gọi Bộ Chỉ Huy của chúng)và các tù nhân qua kịch bản buồn mửa mà vẫn phải coi:”Bác Hồ Bên Hồ Sen” thì “đội mai táng” được gọi “hành quân”.  Và không ngờ rằng “đội mai táng” đã hành quân để đi chôn cất Hiền.  Hiền đã bị nhuốm bệnh trở lại.  Người ta cấp tốc đưa Hiền từ Trại 3 về Trạm Xá Trại 1.  Trạm Xá chỉ là một căn nhà tranh vách đất với 5 chiếc giường tre, thuốc men chạy chữa chỉ có một lọai độc nhất là “Xuyên tâm liên” chế từ lá cây, được Việt Cộng quảng cáo chữa đủ thứ bệnh từ sốt, cảm, tới lao phổi và chữa cả bệnh ung thư nữa.  Hiền được hai người bạn tù cáng đi bằng võng...khi lội qua suối, đá lởm chởm, Hiền đã bị hất văng ra khỏi võng, và Hiền đã ra đi không biết từ lúc nào, lúc trên đường đi hay lúc rơi xuống suối?... 

Đội mai táng gồm các bạn tù tình nguyện đi chôn cất anh em vắn số.  Sự tình nguyện này không phải để bọn cai tù bố thí cho một ân huệ nào, mà để ghi lại được nơi chốn chôn cất, để đánh dấu các mồ mả và ghi tên những người xấu số.  Tôi còn nhớ những người trong đội mai táng có V.X. Thông 81 Biệt Cách Dù, có L.X. Quang 101, vv...Anh Thông có biệt tài đóng rương, làm nõ điếu bằng đá trong một thời gian kỷ lục.  Mỗi lần có ai chết, anh Thông khắc tên cho người bạn xấu số bằng một cái đinh thường được dấu trong lưng quần.  Viên đá được đặt trên đầu mộ để sau này còn hy vọng báo cho thân nhân.  Còn anh Quang là một người nhiều thiện chí, và lại có tài rất giỏi trong việc dụ cho mấy tên “ca’n cộng” ăn “đường mật” để chúng cho phép làm những việc mà chúng tôi không nghĩ sẽ được chúng chấp thuận. 

Năm 1979, khi Trung cộng dậy cho Việt cộng một bài học bằng cách kéo quân đánh biên giới Việt Hoa, chúng tôi được lệnh “hành quân” để di chuyển về phía Nam của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.  Đa số chúng tôi được đưa về trại Đầm Đùn, tức trại Ba Sao.  Trước khi đánh hơi được bọn cai tù sắp di chuyển chúng tôi đi nơi khác, Quang đã thuyết phục được bọn Việt cộng cho phép một số anh em được đến nghĩa địa làm cỏ.  Khi làm cỏ xong, các anh em đã tự động dàn hàng ngang và nghiêm chỉnh chào tay các mộ phần trước sự ngạc nhiên của hai tên “quản chế” đi theo canh gác.  Quang đã khấn rằng:”Xin các anh sống khôn thác thiêng, hãy phù hộ cho gia đình vợ con các anh và phù hộ cho chúng tôi thóat được cảnh tù đày này.  Chúng tôi tự nguyện trước vong linh các anh sẽ đưa các anh về với gia đình”.  Quang đã xin hai việc mà chúng tôi thấy là chuyện viễn vong: việc thứ nhất, làm sao mà tin được là bọn Việt cộng này sẽ thả tù cải tạo; việc thứ hai là làm sao mà đem được các anh em đã nằm xuống về với gia đình họ.  Nhưng cả hai việc đều đã xẩy ra.

Việc thứ nhất:ai cũng rõ, dưới áp lực và sự can thiệp của chính phủ Mỹ, chúng tôi đã được thả và được định cư ở nước Hoa Kỳ tự do này.

Việc thứ hai:đã thực hiện ngay khi chúng tôi chưa ai được ra khỏi Việt Nam và Việt cộng còn đang kiểm sóat chặt chẽ những người  như chúng tôi vừa được thả ra khỏi tù.  Trung Tá L.X. Quang là người đã hứa trước vong linh các người bạn và là người đã có công nhiều nhất trong việc đưa anh em về với gia đình...Vừa được thả khỏi nhà tù Z30C, chúng tôi đã bắt liên lạc với gia đình và cho biết nơi chôn cất.  Anh Quang đã tình nguyện sẽ hướng dẫn  các gia đình trở lại rừng núi Sơn La để đưa các anh em đó về.  Anh Quang đã bày cho các quả phụ làm đơn xin đi lấy cốt chồng về Nam.  Lẽ dĩ nhiên với quà cáp “ủng hộ”, các đơn xin đã được hấp thuận.  Cuộc hành trình đầy gian nan nhưng nhiều chuyện lạ đã xẩy ra như các anh linh của các anh đã phù hộ cho mọi việc được hòan tất tốt đẹp.  Trong số người đi này có người nhà của anh Hiền ra lấy cốt của anh về Nam. 

Từ ga Saigon, với con mắt của người tình báo 101, Quang đã nhận ra được một tên Việt cộng đã theo dõi từng hành động của từng người trong đòan.  Quang đã cho nó vào “mê hồn trận” và đã được tên này thổ lộ cho biết nó có nhiệm vụ theo dõi tới Huế, và từ Huế sẽ là người khác thay thế.  Nó khuyên anh và mọi người phải cẩn thận.  Sau này, Quang cho tôi biết với những quà biếu hối lộ như vỏ xe đạp, pin, đường, muối và tiền cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Bí thư công an xã Mường Thái, phái đòan đã được tiếp đón niềm nở.  Nơi chôn cất các anh em, cỏ lau mọc ngập đầu người, chỉ nhận ra sau khi thuê cắt cỏ và tất cả mô đất đã soi mòn, nếu không có những viên đá đề tên tuổi thì khó mà còn biết được đâu là mộ phần của ai.  Gia đình Hiền cũng như các gia đình khác dùng một thau sắt đặt xương cốt vào và đổ dầu hôi (mua ở Hà Nội) vào đốt.  Hiền đã được về Saigon với gia đình. 

Một tuần lễ sau, chị Hiền và các cháu đã lén lúc tổ chức phép xác tại nhà dưới sự chủ lễ của Cha xứ Phú Nhuận.  Gia đình Hiền đã không giám làm lễ tại nhà thờ.  Quang và tôi cùng một vài người bạn đã có mặt ngồi dự lễ nhưng cũng rất hồi hộp vì bọn công an có thể sẽ áp vào bất cứ lúc nào.  Một lễ thật cảm động, con trai Hiền đã ôm hũ tro của cha tới trước bàn thờ Chúa để xin Cha xức nước Thánh, nước mắt chảy dài trên má.  Tôi vẫn thường ghé thăm chị Hiền và các con anh, giúp chị làm một số giấy tờ, và khuyên nhủ cháu trai hãy kiên trì và vững tâm tin tưởng sẽ được ra đi.  Chị Hiền và các cháu sau đó đã lên đường sang định cư tại Hoa Kỳ và được phái đòan Mỹ chấp thuận cho đem theo hài cốt của Hiền.  Hiện nay, Hiền đương ở San Diego, California.  Tất cả các con của Hiền đã được chị Hiền dậy dỗ và đã thành công trong học vấn.  Tất cả các cháu đã được chị dựng vợ gả chồng xong. 

Riêng gia đình anh Trung Tá Phạm Văn Thiệt, tôi có ghé thăm chị Thiệt và các cháu, và có ngỏ ý muốn giúp đỡ chị làm giấy tờ để xin đi định cư tại Mỹ, nhưng chị đã bày tỏ sự không tin tưởng vào những gì tôi nói.  Cho đến ngày hôm nay, tôi không biết được gia đình chị Thiệt  và các cháu bây giờ ra sao?...Mỗi lần đến ngày 30 tháng 4, chúng tôi đều muốn thắp một nén nhang để tưởng nhớ không riêng gì Hiền, Thiệt, Tiếp, Minh, Dịch, mà cho tất cả những anh em đã nằm xuống dưới bàn tay ác độc của đám vô thần.  Cũng nhân dịp này, chúng tôi xin trang trọng vinh danh các người “Vợ” đã hy sinh tất cả để nuôi chồng trong tù, nuôi con còn măng sữa, qua các cơn sóng gió tưởng như sức người khó vượt qua nổi. 

Xin cảm ơn các người “Mẹ”, xin cám ơn các người “Vợ” thật can đảm!

 

Dupont

tháng 4 năm 2003

 

Ghi chú của người viết:  Tr/Tá Sâm, tác giả của bản Hành Khúc Quân Đòan VI và bài ca tù đầu tiên “Anh ở đây, Bạn bè anh cũng ở đây!” (làm tại Trại Suối Máu)cũng được chôn cất ở nghĩa trang nêu trên.  Anh đã được người nhà bộc cốt và đưa về chôn cất tại quê làng anh ở miền Bắc.